Nông nghiệp Việt Nam cần lắm những đổi thay
Giảng viên đại học đi xuất khẩu chuối
Chuối laba là đặc sản nổi tiếng của Lâm Đồng, nhưng không được
người tiêu dùng Việt chú ý, song lại trở thành sản phẩm xuất khẩu mang về nguồn
thu đáng kể cho một nhóm giảng viên đại học.
Bỏ phố lên rừng làm
giàu với dâu tây
Dự án trồng cà phê thất bại và kế hoạch mở rộng vườn rau bó
xôi chẳng đi tới đâu, ông Lê Sĩ Công cùng nhóm bạn chuyển hướng sang trồng chuối
laba - một đặc sản của Lâm Đồng.
Chuối laba xuất khẩu. Ảnh: Quốc Dũng
Chuối vốn dễ sinh trưởng và người dân ở địa phương nào cũng
có thể trồng được, nhưng giống laba có ưu thế trái lớn, vị ngọt, thơm và dẻo
hơn hẳn giúp nhóm tự tin kiếm tiền từ mua bán loại hoa quả này. Nhưng cái khó
là vùng nguyên liệu hạn chế, nhất là sau khi thương lái Trung Quốc không còn
thu mua ồ ạt như trước, đẩy giá rớt thê thảm, có lúc chỉ 1.500 đồng một kg. Thấy
không có lời nên nông dân đua nhau phá chuối để trồng loại cây khác hiệu quả
hơn. Hiện giống chuối laba ở Lâm Đồng chỉ còn trên 200ha. Có lúc ông xuất hàng
đi không còn lãi, thậm chí phải bù lỗ vì giá nguyên liệu tăng vọt.
Các thành viên trong nhóm cải tiến kỹ thuật canh tác để tăng
sản lượng và tìm hiểu thị trường xuất khẩu bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước rất
thấp. Năm 2010, nhóm thành lập công ty với
ngành nghề chính là trồng, xuất khẩu chuối laba của Lâm Đồng.
Công việc xúc tiến thương mại phần lớn thực hiện qua
Internet, từ việc làm thủ tục hải quan đến đặt container vận chuyển hàng đi đều
bằng hình thức thư điện tử vì mọi người không có điều kiện đi nhiều. Bởi 3
thành viên đang công tác tại một trường đại học, 2 thành viên còn lại cũng có dự
án riêng theo đuổi.
Khi chuối ra buồng sẽ được bọc nilon xung quanh để tránh bị
nám trái và các loại thuốc bảo vệ thực vật không bám vào những nhánh chuối. Ảnh:
Quốc Dũng
Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên đến thị trường Australia, sau
khi hai bên đàm phán xong về tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa và giá cả. Công ty
tiến hành thu mua chuối nguyên liệu theo giá thị trường, vận chuyển về TP HCM
thuê một công ty khác gia công khâu cấp đông.
Nhu cầu nhập khẩu của bạn hàng rất lớn nhưng công ty chỉ đáp
ứng được 200 tấn một tháng. Phía Australia chỉ nhập vào những tháng cuối năm,
nên lượng hàng xuất sang chỉ khoảng 800-1.000 tấn một năm. Các thành viên trong
nhóm tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2013, nhóm giảng viên này xúc tiến chuối đi châu Âu và
Nhật nhưng gặp khá nhiều trở ngại. Yêu cầu của châu Âu là chiều dài của quả chuối
phải tương đối đồng đều, từ 20cm trở lên. Trong khi đó doanh nhân Nhật soi rất
kỹ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, họ còn mang về Nhật kiểm tra chất
lượng sản phẩm. Sau khi vượt qua vòng khảo sát nghiêm ngặt, 3 doanh nghiệp Nhật
đồng ý hợp tác nhưng hiện tại công ty mới xuất 10 tấn chuối đầu tiên qua Nhật bằng
đường biển.
Là giám đốc của công ty, ông Lê Sĩ Công dự định sang năm
2014, khi liên kết được nhiều hộ nông dân hơn sẽ xuất đi Nhật 30-40 tấn mỗi
tháng. Hiện nhu cầu nhập khẩu chuối của Nhật rất lớn. Công ty của nhóm giảng
viên này đang cung ứng cho hệ thống siêu thị lớn nhất nước Nhật, họ yêu cầu mỗi
tháng xuất 600 tấn.
Giá chuối nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn 4.000-5.000 đồng một
kg so với Costa Rica và Philippin (những thị trường nhập khẩu chính của họ)
nhưng do hương vị ngon, đậm đà nên hàng Việt vẫn có chỗ đứng ở xứ xở mặt trời mọc.
Giá thành một kg chuối laba khi qua đến Nhật 15.000-16.500 đồng.
Hiện mọi khâu kỹ thuật
canh tác đến sơ chế đóng gói đều được phía Nhật chuyển giao cho công ty. Chuối
sau khi thu hoạch được cắt cuống đúng tiêu chuẩn, rửa sạch và đem sấy ráo nước.
Sản phẩm cho vào bọc nilon có lót thêm một lớp mút xốp, dùng hóa chất bảo quản
(ở mức độ cho phép) để đảm bảo sau 2 tháng vỏ trái chuối vẫn màu xanh, sau đó
dùng máy hút chân không rồi mới vận chuyển tới container để đưa lên tàu. Khi
hàng qua tới Nhật, tùy nhu cầu tiêu thụ có thể dùng công nghệ cho chuối chín
vàng đều trong 7 ngày, không độc hại tới sức khẻo người tiêu dùng.
Kinh doanh chuối xuất khẩu |
Giá thành một kg chuối laba khi qua đến Nhật 15.000-16.500 đồng.
Ảnh: Quốc Dũng
Toàn bộ 7 ha chuối của công ty đã chuyển qua canh tác phương
pháp mới, khác hẳn với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân, để đáp ứng
nhu cầu xuất khẩu. Khoảng cánh giữa các cây chuối là 1,5-2 m, trong khi đa số
nông dân trồng mật độ 3 m.
Với mật độ trồng dày, một hecta của công ty trồng được trên
3.000 gốc chuối. Cách trồng này mang lại hiệu quả về sản lượng vì 1 ha chuối của
công ty có thể thu hoạch 90-100 tấn một năm. Nếu tính giá chuối nguyên liệu là
5.000 đồng một kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ha chuối của công ty thu lãi trên
300 triệu đồng mỗi năm, trong khi chuối canh tác theo phương pháp truyền thống
chỉ đạt 40-50 tấn. Nhưng nếu so với Costa Rica và Philippin thì sản lượng chuối
của Việt Nam còn thua xa, 1ha chuối của họ mỗi năm thu 130-150 tấn
Theo chia sẻ của ông Công, canh tác chuối theo kỹ thuật mới
giúp độ ẩm cây tốt hơn, lượng nước khi tưới tự động được trải đều. Một vườn cây
đủ quang hợp và mát mẻ từ các hướng làm cho buồng chuối thẳng, trái đều. Nhược
điểm là với mật độ dày dễ phát sinh bệnh nấm trên lá.
Khi chuối ra buồng sẽ được bọc nilon xung quanh để tránh bị
nám trái và các loại thuốc bảo vệ thực vật không bám vào những nhánh chuối. Để
đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, chuối sẽ trồng mới sau 2 năm. Chuối của nông dân
trong vùng phần lớn 5-6 năm mới trồng thay thế, dẫn tới trái càng lúc càng nhỏ
hoặc dáng trái không bắt mắt.
Ông Công cho biết thêm, một buồng chuối trồng trên đất của
công ty có 80% số nhánh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện công ty mở rộng liên kết
với nông dân để phát triển diện tích, đồng thời chuyển giao phương pháp canh
tác mới. Nếu mô hình thành công, sắp tới công ty sẽ phải tính tiếp việc tăng
nguồn vốn và ký hợp đồng giá nguyên liệu cố định với hộ nông dân, đảm bảo hai
bên cùng có lợi và người nông dân trồng chuối xuất khẩu sẽ có thu nhập cao hơn
hiện nay.
Quốc Dũng - Vnexpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét